Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Nhân viên kinh doanh quảng cáo: Vì sao khó tuyển?

Nhân viên kinh doanh quảng cáo: Vì sao khó tuyển?

“Khả năng thuyết phục, quan hệ quảng giao, sự nhẫn nại và đam mê, chưa kể tới áp lực lớn về doanh thu. Đó là “tấm lọc” đối với người làm nghề kinh doanh quảng cáo. Bởi vậy, tỉ lệ nhân viên gắn bó với nghề thời không bền như nhiều ngành khác”.



Bà Giáp Diệu Hương - đại diện tuyển dụng Công ty quảng cáo Dolphin Media - cho biết trong Phiên Giao dịch việc làm chuyên đề quảng cáo truyền thông vừa được tổ chức tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).

Nghề chọn người

Theo bà Giáp Diệu Hương, mỗi hợp đồng quảng cáo truyền hình có giá trị từ vài chục tới trăm triệu đồng, thậm chí tới tiền tỉ.

“Vì vậy, nhân viên kinh doanh tiếp phải rất nỗ lực trong việc chọn đối tượng, thương thuyết. Đặc biệt là tiếp cận được với đối tượng có quyền quyết định” - bà Hương cho biết.

Quan sát những nhân viên kinh doanh thành công, bà Hương cho rằng đó là những người có khả năng giao tiếp tốt với nhiều loại đối tượng, quảng giao và sự tinh tế trong quan hệ.

“Ngay cả trong việc đơn giản như gọi điện thoại, họ cũng phải có kỹ năng làm sao để đối tác nghe lọt tai” - bà Hương bổ sung.

Câu chuyện “tìm kim đáy bể” nhân viên kinh doanh không chỉ ở ngành quảng cáo truyền hình, ngành báo in và quảng cáo nội thất cũng “căng mắt” ra để tìm kiếm ứng viên.

Bà Trịnh Thùy Linh - đại diện tuyển dụng của Báo Thời báo kinh doanh (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) - cho biết xu hướng phát hành của báo in ngày càng giảm là điều dễ thấy ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong khi đó, các công ty trả tiền cho quảng cáo thường nhìn vào số lượng ấn bản của tờ báo để lựa chọn.

“Miếng bánh quảng cáo càng nhỏ khiến các tờ báo đang phải cạnh tranh thị phần. Trong cuộc đua như vậy, một trong những thế mạnh của tờ báo chính là đội ngũ nhân viên kinh doanh có khả năng bán hàng giỏi” - Bà Trịnh Thùy Linh nói.

Để gắn bó với nghề, theo bà Phạm Thị My - cán bộ tuyển dụng Công ty quảng cáo nội thất Avicom (Hà Nội) - nhân viên kinh doanh cần chú trọng tới khả năng diễn đạt vấn đề và am hiểu tâm lý khách hàng.

Với đặc thù tuyển nhân viên kinh doanh quảng cáo nội thất và bảng biển ngoài trời, bà Phạm Thị My lưu ý thêm tính kiên nhẫn ở người nhân viên kinh doanh.

“Bạn phải rất chịu khó và kiên nhẫn để theo đuổi, chăm sóc một hợp đồng từ lúc manh nha tới khi thành công”.

Buổi tọa đàm về nghề quảng cáo truyền thông do TT GTVL Hà Nội tổ chức
Buổi tọa đàm về nghề quảng cáo truyền thông do TT GTVL Hà Nội tổ chức

Đối mặt với khắc nghiệt

Theo ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc TT GTVL Hà Nội, từ đầu năm 2014 tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận 1.626 lượt doanh nghiệp tới đăng ký tuyển dụng, trong đó có 85 lượt doanh nghiệp trong ngành quảng cáo - truyền thông tuyển hơn 1.500 vị trí nhân viên kinh doanh, thiết kế, phát tờ rơi…

“Doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này, nhưng khả năng đáp ứng của ứng viên còn hạn chế, chưa kể đặc thù công việc khiến nhiều bạn trẻ bỏ dở việc theo đuổi lâu dài công việc” - ông Phong nói.

“Mức lương của nhân viên kinh doanh ngành quảng cáo chỉ dao động từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Đổi lại, mức hoa hồng theo từng hợp đồng có thể dao động từ 10-30%” - một cán bộ tuyển dụng ngành này cho biết.

Theo ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, vị trí nhân viên kinh doanh thường được ưu ái vì đem lại doanh thu chính trong công ty.

Nếu bán hàng tốt, thu nhập của nhân viên kinh doanh sẽ rất cao. Cơ hội nhảy việc để tìm nơi làm việc với thu nhập cao hơn là điều dễ hiểu.

Nhưng tính khắc nghiệt của nghề khiến họ phải chấp nhận thực tế bị sa thải hoặc tự xin nghỉ khi không đạt chỉ tiêu được giao.

Chia sẻ bí quyết gắn bó với nghề, ông Minh cho rằng yếu tố đầu tiên là tình yêu nghề mới bám trụ được. “Nếu như bạn chưa thành công thì cần xem xét mình còn thiếu gì để rèn luyện”.

Vị Phó Chủ tịch Hội quảng cáo Hà Nội thừa nhận, áp lực của khai thác quảng cáo ngày càng lớn. Trong khi kinh tế còn khó khăn, quảng cáo vẫn được coi là phương tiện xa xỉ nên không hẳn doanh nghiệp nào cũng lựa chọn.

Nhận định về xu hướng phát triển các loại hình quảng cáo trong thời gian tới, ông Minh cho rằng các loại hình quảng cáo màn hình lớn ngoài trời; quảng cáo qua truyền hình, radio, internet; đặc biệt là lĩnh vực thiết bị di động đang là xu hướng phát triển.

“Dù có nhiều các loại hình quảng cáo phát triển đa dạng, nhưng việc bán hàng vẫn dựa trên những yếu tố cơ bản, đó là: Kỹ năng bán hàng, hiểu biết sản phẩm - dịch vụ và lòng nhiệt tình cao” - ông Minh cho biết.

Hoàng Mạnh | dantri

Khi nhân viên đối đầu: Nhà quản lý nên im lặng, lờ đi hay đứng ra hòa giải?

Các nhà quản lý đều cảm thấy không hài lòng về các vấn đề căng thẳng giữa nhân viên cũng như những mâu thuẫn chưa được giải quyết. Hãy đối mặt với vấn đề này: Thường thì bạn đã có quá nhiều việc cần giải quyết mà không liên quan tới cảm giác khó chịu, tức giận cũng như lo lắng khiến bạn cảm thấy mình như là một trọng tài hơn là người giám sát.

Tuy nhiên, do nhu cầu giữ chân những nhân viên giỏi, nhà quản lý phải tìm cách giúp những người có mâu thuẫn hòa hợp trở lại, nếu không họ sẽ phải đối mặt với tình trạng nhân viên bỏ việc thường xuyên. Dù vậy, thực tế là các thành viên tronng nhóm của bạn thường lựa chọn cách thức ít đối đầu với nhau nhất - tránh nhau ra - hơn là trực tiếp giải quyết vấn đề gây mâu thuẫn.

Với vai trò nhà quản lý, bạn phải can thiệp như một người hòa giải để đảm bảo hạn chế va chạm giữa những nhân viên có mâu thuẫn với nhau, để không dẫn đến tình trạng sụt giảm hiệu quả công việc hay bỏ việc.

Coi như mâu thuẫn đó không tồn tại hay để nhân viên tự giải quyết mâu thuẫn với nhau có thể là một biện pháp an toàn khi khúc mắc giữa các cá nhân nảy sinh lần đầu. Tuy nhiên, bạn phải can thiệp khi vấn đề này thường xuyên xảy ra.

Giải pháp là gì?

Khi hai thành viên trong nhóm mâu thuẫn với nhau, bạn hãy gặp riêng từng người và giải thích bạn định xử lý vấn đề như thế nào:

"Dũng, tôi muốn gặp riêng anh và tôi cũng sẽ làm thế với với Đức sau khi nói chuyện xong với anh. Tôi muốn anh hiểu cách thức chúng ta cùng giải quyết ván đề căng thẳng giữa anh và Đức.

Đầu tiên, tôi muốn nghe ý kiến của anh, và sau đó tôi sẽ chia sẻ lại với Đức. Tôi cũng sẽ nghe ý kiến của Đức và nói với anh trước khi cả ba chúng ta cùng gặp gỡ.

Bằng cách này, mọi người sẽ hiểu được vấn đề của người khác, nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, từ đó bàn bạc và đề xuất cách giải quyết.

Nói ngắn gọn hơn, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này trong ba cuộc gặp: Thứ nhất là cuộc gặp này giữa chúng ta. Tiếp theo tôi sẽ gặp Đức, và gặp lại anh để trao đổi về ý kiến phản hồi của anh ấy. Cuối cùng là cuộc nói chuyện giữa 3 chúng ta vào chiều nay.

Mọi người đều sẽ biết rõ vấn đề, và chúng ta sẽ giải quyết mâu thuẫn này như những người trưởng thành, tôn trọng lẫn nhau. Anh đã rõ ý định của tôi chưa?"


Trong cuộc nói chuyện với Dũng, hãy hỏi anh ta lý do khiến Đức có suy nghĩ tiêu cực. Hãy hỏi Dũng về điều anh ta muốn cải thiện trong mối quan hệ với Đức, cũng như điều mà anh ta sẵn lòng thay đổi trong cách ứng xử để có được thái độ tốt hơn từ phía đồng nghiệp trong tương lai. Tương tự sau khi gặp Đức, hãy tìm hiểu ý kiến của anh ấy và chia sẻ cảm nhận đó với Dũng.

Cuộc gặp thứ ba là thời điểm quan trọng để tìm ra giải pháp. Bạn cần hiểu nhân viên sẽ cảm thấy lo lắng rằng quan hệ giữa họ có thể trở nên căng thẳng hơn, vì vậy hãy đặt ra những quy định cơ bản sau:

"Đức và Dũng, tôi có hai quy định cơ bản mà tất cả chúng ta đều phải tuân thủ trước khi bắt đầu trao đổi.

Quy tắc thứ nhất là hai bạn không nên giữ lại bất cứ suy nghĩ nào. Đây là một cơ hội để các bạn nói rõ tất cả mọi chuyện, và nếu giữ lại điều gì đó, các bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng để chia sẻ suy nghĩ của mình. Hai bạn sẽ không còn cơ hội nào khác để giải quyết những vấn đề dồn nén cũng như nỗi thất vọng. Sau buổi gặp hôm nay, tôi vui mừng chào đón cả hai đến công ty như thể đó là ngày làm việc đầu tiên. Từ thời điểm này, tôi yêu cầu hai bạn phải có trách nhiệm cải thiện mối quan hệ công việc giữa hai người. Cả hai đã hiểu chưa? [Vâng].


Quy tắc thứ hai, mọi điều cần chia sẻ phải được nói sau khi cân nhắc lợi ích của nhau với tinh thần phê phán mang tính xây dựng. Không được công kích nhau cũng như không cần thiết phải tự vệ trong buổi gặp này. Đây thực sự là một buổi nói chuyện nhạy cảm mà cả hai bạn cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của mỗi người và lắng nghe suy nghĩ của nhau. Cả hai bạn có đồng ý với những quy định cơ bản này không? [Vâng]".

Một buổi gặp gỡ với các quy định như vậy sẽ giảm bớt cảm giác lo lắng cũng như tức giận cho những người tham dự. Nó cũng cho bạn cơ hội tiến hành một phương pháp nhẹ nhàng khi giải quyết những vấn đề về quan hệ giữa các cá nhân.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét